Đang tải...
Kỳ 1: ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG
Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sau Hội nghị COP26 và COP27, các nhiên liệu hoá thạch, các nguyên liệu gỗ lớn đi về hướng giảm và dần dần cấm khai thác.
Với đặc thù diện tích có rừng lớn như ở Gia Lai, lịch sử cho thấy, do thiếu sinh kế bền vững nên bà con đã khai thác rừng và nạn săn bắt động thực vật thiếu kiểm soát. Dẫn đến sự suy giảm trữ lượng và chất lượng rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn và những hệ luỵ không nhỏ của nó.
Hiện trạng tài nguyên rừng tỉnh Gia Lai, tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 729.438,71 ha (chiếm 47,03% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh), trong đó: rừng phòng hộ là 150.394,46 ha, chiếm 20,61%; rừng đặc dụng là 82.208,33 ha, chiếm 11,27%; rừng sản xuất là 496.835,92 ha, chiếm 68,11%. Theo kết quả rà soát hiện trạng rừng, diện tích đất có rừng là 648.362,39 ha, gồm: rừng tự nhiên 478.839,54 ha; rừng trồng 169.522,85 ha. Tỷ lệ che phủ rừng chung (bao gồm cả cây cao su, cây đặc sản….) là 47,15%. Mặc dù dựa trên số liệu FORMIS đã tạm xác định trữ lượng trên phạm vi toàn tỉnh nhưng chưa có báo cáo chính thức về trữ lượng cũng như đánh giá thực tế hiện trạng rừng cho từng diện tích cụ thể, dẫn tới khó khăn cho việc quy hoạch và phát triển lâm nghiệp. Qua đánh giá và xác định sơ bộ, diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng hoặc rừng nghèo khoảng trên 180.000ha.
Tại tỉnh Gia Lai, tỷ lệ đóng góp của ngành lâm nghiệp vào tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất lâm nghiệp rất thấp, chiếm 1,33% cơ cấu trong nội bộ ngành (tính đóng góp trực tiếp của các hoạt động tạo rừng trồng và khai thác gỗ, không bao gồm dịch vụ môi trường rừng và chế biến gỗ; giá trị sản xuất lâm nghiệp).
Thực tế cho thấy, người dân e ngại phát triển kinh tế rừng bởi những vất vả và thu nhập hạn hẹp, thị trường bị chi phối, khó kiểm soát; doanh nghiệp thì phân vân với hiệu quả kinh tế và những rủi ro trong đầu tư lâm nghiệp; chính quyền thì trăn trở với an sinh xã hội, ổn định và phát triển.
Trong những năm qua, môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện, nhưng với lĩnh vực lâm nghiệp nhiều rủi ro như chu kỳ sản xuất kinh doanh dài ngày, chủ yếu phân bố ở vùng có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội khó khăn, hạ tầng cơ sở, dịch vụ yếu kém, trình độ dân trí chưa cao,… Đồng thời, chưa có cơ chế đủ hấp dẫn về đất đai, tín dụng, thuế,.. để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp.
Việc phát triển trồng các loại cây phù hợp với điều kiện lập địa, sinh trưởng và sinh khối nhanh, nâng cao độ che phủ rừng, chống suy thoái rừng, thích ứng nhanh chóng với biến đổi khí hậu, phù hợp điều kiện kinh tế địa phương, tăng cường sinh kế cho người dân sống gần rừng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các tổ chức, doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững các ngành sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản và lâm sản ngoài gỗ là một sự cần thiết khách quan.
Vấn đề là phát triển như thế nào cho có hiệu quả bền vững và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường và xã hội?
Mặc dù đã có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố, nhiều kinh nghiệm và bài học đã được đúc kết, người trồng rừng vẫn tiếp tục đối mặt với các vấn đề sau đây: (i) Bối rối khi lựa chọn tập đoàn cây trồng, (ii) Không chắc chắn về sự thích nghi của một loài đối với lập địa cụ thể, (iii) Có thể trồng gỗ lớn thuần loài không? Hay phải hỗn giao và tổ hợp hỗn giao như thế nào là tốt nhất, và (iv) Kỹ thuật lâm sinh thích hợp để thiết lập rừng trồng gỗ lớn như thế nào?.
Đứng trước những việc cũ, chúng ta cần có cách làm mới, giải pháp hữu hiệu, làm sao để tái tạo rừng, hình thành những vùng sinh thái gắn liền với sinh kế cho đồng bào thật sự bền vững, tạo ra được những giá trị gia tăng mới cho địa phương,…
Chúng ta đều biết, với tốc độ sinh trưởng nhanh và chu kỳ khai thác lâu dài, chi phí đầu tư không cao, các cây họ tre vừa là cây lâm nghiệp, vừa là cây trồng phù hợp với nhiều dạng địa hình, thổ nhưỡng, lập địa, khí hậu,… Các cây họ tre đều khá dễ tính và dễ trồng, có bộ rễ khoẻ, tầng nông, có vai trò giữ đất, cải tạo đất, giữ nguồn nước ngầm, cải thiện môi trường theo hướng tích cực trong thời gian ngắn.
Xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, chứng chỉ, đạt chất lượng cao, thân thiện môi trường trên toàn cầu ngày càng phổ biến. Với giá trị ngành khoảng 68 tỷ USD/năm (năm 2022) và tăng trưởng trên 10%/năm, cây tre được đánh giá là cây trồng thế kỷ XXI. Ngành công nghiệp tre được công nhận khắp toàn cầu bởi tiềm năng của nó trong việc tác động tích cực tới xóa đói giảm nghèo và vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời đem lại cơ hội kinh doanh tốt cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, thương mại.
Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây họ tre tại tỉnh Gia Lai đạt khoảng trên 20.000ha. Tuy nhiên phát triển chủ yếu từ rừng tre nứa tự nhiên, chưa có vùng tập trung và chưa hình thành được vùng nguyên liệu chuyên canh do tính chất đa dạng của nhiều loại tre và do chưa từng có quy hoạch vùng trồng. Toàn Việt Nam mỗi năm khai thác khoảng 3 triệu tấn, doanh thu đạt 400 triệu USD/năm. Mặc dù sản lượng tre của Việt Nam bằng 1/4 của Trung Quốc nhưng doanh thu chỉ đạt 1/30 so với Trung Quốc bởi sản phẩm của Việt Nam hầu hết là sản phẩm thô.
Qua đánh giá của các chuyên gia, với điều kiện lập địa và sinh thái tại tỉnh Gia Lai và với 1.648 loài cây họ tre trên thế giới thì có đến trên 10 loài được coi là phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu tập trung tại Gia Lai bởi những yếu tố: Dễ trồng, dễ thích nghi, không tốn công chăm sóc, sinh trưởng và sinh khối nhanh, chi phí đầu tư rẻ (hầu hết dưới 35 triệu/ha), nhanh khai thác và khai thác ổn định trong thời gian rất dài. Khi trồng các cây họ tre trên quy mô lớn, tập trung thì nhân lực cần trung bình 2 người/ha. Với diện tích đất chưa có rừng hiện nay của tỉnh Gia Lai mà chúng ta trồng cây họ tre thì nhu cầu nguồn nhân lực sẽ khoảng 300.000 lao động, chưa tính đến lao động cho các nhà máy sản xuất, chế biến trong tương lai khi có nguồn nguyên liệu tốt, là tiềm năng để “đại bàng làm tổ”.
Hầu hết các cây họ tre sẽ trưởng thành vào năm thứ 5 sau khi trồng. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể khai thác lá (đối với 1 số loại cung cấp lá), măng, cành,… ngay từ năm đầu tiên và thông thường đạt khoảng 6-8 tấn lá tươi/năm, tương đương với 50 đến 70 triệu/năm. Cành được khai thác để có thể cung cấp cho các nhà máy viên nén mùn cưa hoặc BioChar (than sinh học) sẽ có thêm thu nhập khoảng 5 - 7 triệu/năm. Măng đạt khoảng 4 tấn/ha, tương ứng tối thiểu 30 triệu/năm. Đối với một số loài cung cấp thân, từ năm thứ 3 có thể đạt 50 m3/ha, tương đương
45-50 triệu/năm. Từ năm thứ 5 trở đi, trung bình khai thác ổn định 70m3/ha, tương đương 62 – 70 triệu/năm. Bên cạnh đó, sau 5 năm, 1ha trồng cây họ tre sẽ đạt khoảng 350 tấn quy gỗ, tương đương khả năng giảm phát thải tối thiểu 216 tấn CO2/năm. Theo cơ chế phân bổ CO2 cấp quốc gia (NDC) và cấp tỉnh (PDC) thì mỗi ha, chủ rừng sẽ được hưởng không dưới 200 tấn CO2/năm. Với giá tối thiểu khoảng 5 USD/tCO2, chủ rừng sẽ có thêm nguồn thu khoảng trên 23 triệu đồng/ha/năm khi giao dịch chuyển nhượng Carbon phát thải.
Với sự phát triển của KHCN và công nghiệp chế biến, các cây họ tre được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sau:
1. Gỗ tre (Tre ép khối)
Thị trường tre ép khối thế giới đang tăng trưởng nhanh, hiện nay gần như là độc quyền của Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc có khoảng 80 dây chuyền sản xuất tre ép khối, với sản lượng ước tính đạt 300.000m3 sản phẩm. Năm 2020, Trung Quốc có 180 dây chuyền và sản lượng ước đạt gần 3.000.000m3. Giá xuất khẩu theo giá FOB của Trung Quốc tăng từ 750USD/m3 vào năm 2010 lên 1.300USD/m3 vào năm 2020. Giá trị thị trường tre ép khối của Trung Quốc đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tập trung chính tại tỉnh Chiết Giang.
Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang vật lộn để theo kịp với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu mạnh mẽ và hiện đang tìm kiếm các thỏa thuận mua tre từ các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng như Việt Nam nhằm tăng công suất đáp ứng nhu cầu này.
Nhu cầu tre ép khối đang gia tăng do tre ép khối là một nguyên liệu thay thế gỗ tự nhiên, nhu cầu tiếp tục tăng lên bởi áp lực ngày càng cao từ các chính sách bảo vệ rừng trên thế giới. Hơn nữa, có một sự thay đổi về mặt ý thức của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ủng hộ sản phẩm thân thiện với môi trường và các nguyên liệu có khả năng tái tạo.
Các thị trường tiêu thụ chính đối với tre ép khối là Châu Âu và Mỹ. Trong vài năm qua, thị trường tiêu dùng tre ép khối cũng phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia khác và đặc biệt là khu vực Trung Đông.
Thị trường tre ép khối đang tăng trưởng dự kiến sẽ cạnh tranh hoặc thay thế thị trường gỗ ngày càng phát triển. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO), 82% rừng gỗ trên thế giới do chính phủ các nước sở hữu và có 10% được giao cho tư nhân có quy mô lớn. Các hộ nông dân nhỏ chỉ sở hữu 8%. Do vậy sự chuyển dịch từ thị trường ngành công nghiệp sản phẩm gỗ sang tre có khả năng tạo ra nhiều việc làm cho người nông dân và cơ hội tăng thu nhập cho người nghèo. Đây cũng là động lực để người nông dân tích cực phát triển và chăm sóc rừng tre, tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp tre.
Lượng sử dụng tre nguyên liệu cho một dây chuyền sản xuất với công suất sản phẩm khoảng 5.000 tấn/năm, giá trị thị trường cho sản lượng 1 dây chuyền đạt khoảng 6,5 triệu USD/năm, tương ứng diện tích trồng chỉ cần khoảng 200ha đối với trồng cây chi luồng. Nếu phát triển tập trung khoảng 20.000ha vùng nguyên liệu thì giá trị thị trường sẽ đạt khoảng 650 triệu USD/năm. Đây là con số khá ấn tượng, là cơ hội tốt để phát triển các nhà máy sản xuất công nghiệp với sản lượng và quy mô lớn.
2. Bột giấy và giấy
Với hàm lượng Cellulose cao, lượng vật liệu sợi lignocellulosic được tách ra lớn, Tre được coi là nguyên liệu phi gỗ để sản xuất bột giấy tối ưu nhất trong nhóm.
Hàng năm, thị trường bột giấy tăng trưởng trung bình từ 8 - 9%. Giá thành hiện tại khoảng trên 1500 USD/tấn. Giấy được làm từ các cây họ tre có giá cao hơn từ 10 - 15%.
Để sản xuất ra 1 tấn bột giấy từ tre, cần có tương ứng khoảng 8 tấn nguyên liệu đầu vào. Mỗi hecta đến chu kỳ thu hoạch và khai thác ổn định đạt khoảng 50 tấn/năm, tương đương giá trị sau chế biến đạt khoảng 9.375 USD/ha/năm.
Để một nhà máy có công suất sản phẩm khoảng 20.000 tấn/năm, cần 160.000 tấn nguyên liệu đầu vào, tương đương diện tích trồng vùng nguyên liệu khoảng 26.000ha. Doanh thu của nhà máy đạt khoảng 93,75 triệu USD/năm.
3. Vật liệu xây dựng và cây chống nông nghiệp
Do khả năng chịu uốn, kéo và khả năng chịu lực cao, tre được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng khá lớn. Việc ứng dụng làm cây chống, vì kèo, cột chống, giàn giáo,… đến những chi tiết tinh xảo và thậm chí cả công trình bằng tre.
Bên cạnh đó, sau khi loại bỏ thức ăn của mối, mọt, kiến trong tre, tre được sử dụng làm cây chống nông nghiệp có tuổi thọ đạt đến 50 năm hoặc cao hơn nữa, hoàn toàn có thể tái sử dụng, giúp giảm chi phí hiệu quả cho người sản xuất nông nghiệp.
Với công nghệ sấy sinh thái đang được áp dụng, tre được biến tính để trở thành vật liệu có tính bền vững cao, thân thiện với môi trường và xu hướng tiêu dùng ngày càng lớn.
Thông thường mỗi ha trồng sau 5 năm sẽ thu được 10.000 cây nguyên liệu, giá bán cây nguyên liệu khoảng 5.000 đồng/cây thì mỗi ha sẽ có doanh thu này đạt 50 triệu/ha/năm. Với một nhà máy công suất 30 triệu cây/năm thì diện tích vùng trồng cần khoảng 3.000ha.
4. Vải sợi cốt tre
Vải tre làm từ cellulose chiết xuất từ thân cây tre và một số phụ gia khác để tạo nên cấu trúc bền vững cùng những đặc tính nổi bật hơn hẳn so với các loại vải cotton thông thường khác, được sản xuất theo quy trình sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Vải tre có khả năng thấm hút mồ hôi cao hơn 60% sợi cotton, nghĩa là cao gấp đôi vải 100% cotton tự nhiên và tính kháng khuẩn, kháng mùi, chống nấm mốc rất tốt, bởi vì trong sợi tre có chất diệp lục và đồng natri. Ngoài ra, vải tre còn có khả năng chống tia UV, tia cực tím để bảo vệ làn da. Bên cạnh đó, so về độ bền thì sợi tre có độ bền cao hơn hẳn vải cotton, cả về độ bền màu và độ bền vải. Vải tre có độ mềm mại, ít nhăn hơn hẳn so với sợi cotton organic, rất thân thiện với làn da người sử dụng. Đặc biệt vải sợi tre mặc mùa hè mang lại cảm giác mát mẻ, còn mùa đông thì ấm áp.
Để tạo ra loại vải đặc biệt này, người ta sẽ tiến hành nghiền phần thân cây tre cho đến khi thành sợi nhỏ, sau đó xử lý chúng bằng các enzyme tự nhiên, kéo và chải thành sợi để dệt vải, công đoạn cuối cùng là nhuộm và giặt sạch bụi vải.
Vải tre mang nhiều ưu điểm tuyệt vời mà không có chất liệu vải nào so sánh được, có lẽ vì vậy mà vải sợi tre được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: May quần áo thời trang cao cấp, sản xuất quần áo chống nắng, đồ lót, vớ tất, đồ dùng nhà tắm, quần áo cho trẻ sơ sinh, khăn, chăn, gối,... và trang trí nội thất.
Để sản xuất ra 1kg vải, cần dùng đến 18kg tre nguyên liệu, tương đương 1 cây tre có tuổi đời 5 năm, dài 8-10m. Giá thành 1kg vải (khoảng 5m2) khoảng 1,5 triệu. Một nhà máy công suất khoảng 2.000 tấn vải thành phẩm thì mỗi năm cần 400 ha vùng nguyên liệu.
5. Than hoạt tính, BioChar và ứng dụng y học, mỹ phẩm, nông nghiệp hữu cơ
Than tre hoạt tính được tạo ra từ cây tre tươi. Tre tươi được đốt ở nhiệt độ cao trong môi trường yếm khí. Than tre được loại bỏ nước và các hợp chất hữu cơ để lại thành phần chính là carbon. Sau đó than tre tiếp tục được hoạt hóa “kích hoạt” nhằm làm tăng diện tích bề mặt và khả năng hấp phụ. Khi than tre chỉ còn thành phần carbon (chiếm 80% diện tích bề mặt), thành phần hoạt hóa phát huy tác dụng và được gọi là than tre hoạt tính.
Trong thực phẩm, than tre hoạt tính giúp tẩy độc, thanh lọc da, khử vi khuẩn, khử mùi cơ thể… Là nguyên liệu trong các món ăn và là thuốc giải độc ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra còn được dùng như phẩm màu trong một vài món ăn. Trong mỹ phẩm than tre hoạt tính thường là các sản phẩm tẩy rửa cho mặt và toàn thân, mặt nạ, kem massage mặt, trang điểm: mascara, kẻ lông mày, phấn mắt dạng nước. Với bề mặt diện tích lớn, than tre hoạt tính hoạt hoá được nhiều chất, giúp loại bỏ các chất có hại trên da, đồng thời làm da chắc khoẻ, sáng da, lưu thông tuần hoàn máu. Than tre hoạt tính ngày nay được sử dụng nhiều trong các sản phẩm kem đánh răng. Là một trong các loại kem đánh răng mang lại hiệu quả tốt nhất cho răng miệng. Với khả năng khử mùi vượt trội, than tre hoạt tính cũng được ứng dụng trong khử mùi hôi giày dép, tủ lạnh, hấp phụ, lọc và loại bỏ các khí độc, giữ cho thức ăn luôn sạch. Than tre hoạt tính có thể làm xà phòng giúp thanh lọc da, ngăn ngừa mụn và cải thiện khả năng tuần hoàn máu. Bột than tre hoạt tính có thể giúp loại bỏ các kim loại, hóa chất độc hại trong nước, giúp làm sạch nguồn nước trong sinh hoạt cũng như sản xuất, chế biến. Bên cạnh đó, than hoạt tính được sử dụng làm màng lọc không khí, mặt nạ phòng độc,…
Thông thường, để sản xuất ra 1 tấn than hoạt tính cần khoảng 15 tấn nguyên liệu tươi. Giá thị trường khoảng 30 triệu đồng/tấn. Với nhà máy sản xuất khoảng 10.000 tấn/năm, tương ứng cần 150.000 tấn nguyên liệu đầu vào, tương đương 3.000 ha rừng. Doanh thu của nhà máy đạt 300 tỷ đồng/năm.
Việc tận thu các cành vụn, cây không đạt chuẩn,… sẽ làm nguyên liệu cho sản xuất BioChar. Nó được dùng để phối dinh dưỡng cho cây trồng, tăng khả năng chịu hạn và phát triển bộ rễ. Đây là hướng đi phù hợp với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và ngành sản xuất nông nghiệp hiện đại.
6. Nhiên liệu sinh học
Việc tận thu các phế phẩm từ quá trình sản xuất gỗ tre, cộng với tận thu mùn cưa từ các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên toàn tỉnh sẽ là nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học là Viên nén mùn cưa (Woodchips), thân thiện với môi trường, tính bền vững cao và dần thay thế các nhiên liệu hoá thạch là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới.
Với giá thành hiện nay không dưới 150USD/tấn (giá FOB tại Việt Nam), chi phí sản xuất chỉ khoảng 50% giá thành và với lượng nguyên liệu cung ứng dự báo đạt khoảng 500.000 tấn/năm thì thị trường này sẽ khoảng 75 triệu USD/năm, tương đương quy đổi khoảng 10.000ha. Đây cũng sẽ là cơ hội tốt để phát triển công nghiệp chế biến nhiên liệu sinh học mang tính bền vững.
7. Nguyên liệu thủ công mỹ nghệ
Sản phẩm mây tre đan Việt Nam được thị trường trong và ngoài nước quan tâm và có tiềm năng phát triển rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ cao nên nhiều sản phẩm chế biến từ tre có giá trị được sản xuất, đáp ứng nhu cầu cao thị hiếu của người tiêu dùng. Theo xu hướng phát triển, nếu mỗi năm ngành mây tre tăng trưởng từ 10-15%, dự kiến nhu cầu nguyên liệu cần ít nhất một tỷ cây tre mỗi năm. Bởi vậy, để phát triển bền vững ngành này, bên cạnh việc bảo vệ gần 1,6 triệu ha mây tre tự nhiên, mục tiêu sẽ phải trồng mới khoảng 165.000ha.
Ở Việt Nam, tre nứa là một trong số những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ có giá trị thương mại cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu mây tre đan đã tăng từ trên 48 triệu USD năm 1999 lên trên 350 triệu USD vào năm 2021. Sản phẩm mây tre đan Việt Nam hiện đã có mặt tại 120 thị trường trên thế giới. Lâm sản ngoài gỗ, trong đó có tre nứa gắn liền với cuộc sống của gần 24 triệu đồng bào dân tộc miền núi; trong đó hơn một triệu người có thu nhập từ mây, tre. Mây tre đan cũng là ngành nghề có số lượng làng nghề lớn nhất với hơn 720 thôn làng, chiếm 24% trong tổng số hơn 2.000 làng nghề của Việt Nam; thu hút hơn 340.000 lao động.
8. Thực phẩm và những ứng dụng khác
Măng tre được coi là món ăn truyền thống tại Việt Nam và đang có xu hướng lan toả khắp thế giới do khả năng làm sạch hệ tiêu hoá nhanh chóng của nó, chống lão hoá, giảm thiểu suy giảm hô hấp,... Sản phẩm măng tre được chế biến khá đa dạng các món ăn và được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày.
Lá tre, tinh màng tre, nước tre dùng trong chữa trị một số bệnh cảm sốt, kháng viêm,… và được coi là một trong những vị thuốc quý.
Tại một số quốc gia phát triển, lá tre được sử dụng làm bao bì gói thực phẩm (thịt, cá,..), gói các loại bánh, thay thế cho các loại vật liệu khó phân huỷ từ nhựa. Lá tre cũng được sử dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ, chế biến thực phẩm,…
Muối tre cũng được coi là gia vị đặc sắc và đắt giá nhất thế giới.
Lợi ích gia tăng từ trồng và phát triển cây họ tre
Do sức sống khoẻ, phù hợp đa dạng địa hình và khí hậu, tre được trồng để bảo vệ biên giới, lãnh thổ. Trồng tre rừng đầu nguồn chống hiện tượng xói lở, lũ lụt. Do khả năng tích nước nên khi trồng tre, nguồn nước ngầm được tích tụ và duy trì ổn định, cải thiện điều kiện thổ nhưỡng.
Phát triển cây họ tre mang tính vùng trồng tập trung sẽ giảm thiểu đáng kể hiệu ứng nhà kính, do khả năng hấp thụ CO2 mạnh mẽ tương đương 50% so với các rừng nguyên sinh. Tre giúp cân bằng nhiệt độ tốt, tạo ra các vùng tiểu khí hậu hài hoà và trong lành.
Do có tính sinh trưởng và sinh sản nhanh, chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với các cây lâm nghiệp khác và không cần trồng tái canh nên hoàn toàn có thể khai thác bền vững, ổn định trong thời gian dài, tạo thu nhập ổn định cho người trồng rừng.
Hơn thế nữa, khi các rừng tre được hình thành sẽ tạo cơ hội và điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn tại địa phương.
(Kỳ 2: Quy hoạch phát triển vùng trồng cây họ tre và các cụm chế biến tập trung)
Tg: Trung Nghĩa, Hữu Lương
Tin tức liên quan
Tin mới nhất