Đang tải...

Tiếng Anh
message zalo

Cây tre với công cuộc chống với biến đổi khí hậu

05/12/2023

Cây tre được coi là một vũ khí hiệu quả chống biến đổi khí hậu. Với những đặc tính như khả năng hấp thụ CO2 lớn, là nguồn năng lượng tái tạo và nguyên liệu cho các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường…, cây tre có tiềm năng rất lớn trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, góp phần vào hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững tại nhiều quốc gia.

Từ lâu, cây tre gần gũi và cũng rất đỗi thân thuộc, đã trở thành một trong những biểu tượng cực kỳ đẹp đẽ về sức sống và phẩm cách con người Việt Nam chúng ta. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, cây tre đã thành huyền thoại, thành vũ khí làm khiếp sợ quân thù. Cây tre luôn có sức sống mãnh liệt dù trong mưa bom bão đạn, dù trong nắng hạn mưa giông.

Gần đây, cây tre được nhiều quốc gia đề xuất sử dụng vào công cuộc chống biến đổi khí hậu vì những hiệu quả mà nó mang lại. Bởi tre là loài thực vật sinh trưởng nhanh; tre nhẹ hơn thép và bền gấp 5 lần bê tông, có khả năng chống chịu động đất, tre được coi là vật liệu lý tưởng cho ngành xây dựng. 

Dưới góc độ môi trường, tre còn có giá trị nhiều hơn thế. Chính vì sinh trưởng rất nhanh, tạo ra sinh khối lớn trong một thời gian cực ngắn nên lượng cacbon mà tre có thể giữ là vô cùng lớn. 

Nếu được quản lý tốt thông qua khai thác hằng năm, tre có thể hấp thụ lượng cacbon lớn hơn từ 7-30% so với những loại cây thân gỗ có tốc độ sinh trưởng nhanh như linh sam, bạch đàn. Rễ tre cũng đóng góp một lợi ích khác về môi trường khi nó có thể làm giảm 75% tốc độ xói mòn đất. 

Trồng tre có thể được xem là một giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững. Về mặt kinh tế, cây tre trồng từ 12- 15 tháng là có thể thu hoạch măng. Đầu tư cho việc trồng tre không tốn kém, mỗi hécta chỉ vào khoảng trên 25 triệu đồng tiền giống, nhân công cho đến thời điểm khai thác và không phải tái canh. Kỹ thuật trồng cũng khá đơn giản, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Chỉ cần có nước tưới vào mùa khô là cây có thể phát triển bình thường và điều đáng quý là tre hiếm khi bị sâu bệnh phá hại.

Được chăm sóc tốt thì măng tre phát triển rất nhanh và mạnh, lên nhiều mầm và mỗi một búp măng có thể từ 1 đến 6kg, thậm chí có loài lên đến 50-60kg/búp măng. Tre có thể cho thu hoạch măng hằng ngày, ngay cả trong mùa khô, nếu được cung cấp nước tưới đầy đủ. Giá 1kg măng tươi có thể dao động từ 8.000 - 15.000 đồng, tùy theo từng thời điểm. 

Riêng cây tre còn có thể bán để làm nguyên liệu sản xuất giấy và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao.

Hiện nay trên thế giới, có ít nhất 38 triệu hecta tre được trồng tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Lớn nhanh, khai thác được nhanh, cây tre sớm trở thành một trong những nguồn thực phẩm quan trọng của con người, có thể cung cấp sợi, chất đốt để làm ra hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Chúng bền chắc, có thể tái sinh được, và thay thế nhiều chất liệu khác như PVC, nhôm, thép và cốt sắt. Tre cũng là nguồn nhiên liệu sinh học đáng kể, được dùng làm chất đốt và sưởi ấm, hoặc chuyển thành khí đốt trong lĩnh vực điện năng.

Ở Việt Nam, tre sinh sôi phát triển rất nhiều, nhất là ở các vùng quê. Đặc biệt là ở những vùng đất được coi là “vùng rốn lũ” ở Miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên, cây tre được coi là cây “cứu tinh” ở vùng rốn lũ. Ở đây nếu không có những bờ tre che chắn thì không tài nào sản xuất được từ làm lúa cho đến trồng hoa màu. Trước kia người dân cũng thường trồng thêm cây bạch đàn, dương liễu, nhưng những loại cây này không trụ nổi, chỉ còn mỗi cây tre là bám trụ được, mặc cho sức tàn phá của lũ mỗi năm một lớn.

Trong khi Nhà nước chưa có đủ nguồn kinh phí để làm bờ kè chống xói lở dọc theo sông Vệ thì trồng tre giữ đất, bảo vệ mùa màng là biện pháp hiệu quả nhất. Chính quyền ở đây luôn khuyến khích người dân trồng, bảo vệ tre.

Tiềm năng về cây tre trong mục tiêu vừa phát triển đời sống vừa góp phần giảm thiểu sự biến đổi khí hậu trên hành tinh là rất lớn, song con người chưa tận dụng được bao nhiêu khả năng này của chúng. Hy vọng trong một tương lai gần, cây tre sẽ có những đóng góp tích cực hơn nữa vào các mục tiêu phát triển dài hạn.

 
Thông báo
Đóng